KHU TÁI ĐỊNH CƯ VÙNG THIÊN TAI BÀU RONG PHƯỜNG BỒNG SƠN (TX HOÀI NHƠN): AN CƯ CHO NGƯỜI DÂN VÙNG NGẬP LŨ.
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KHU TÁI ĐỊNH CƯ VÙNG THIÊN TAI BÀU RONG PHƯỜNG BỒNG SƠN (TX HOÀI NHƠN): AN CƯ CHO NGƯỜI DÂN VÙNG NGẬP LŨ.

 

            Sau 2 năm thi công, khu tái định (TĐC) vùng thiên tai Bàu Rong, phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) đã cơ bản hoàn thành và bắt đầu đón những hộ gia đình thuộc diện di dời ra khỏi vùng ảnh hưởng thiên tai dọc sông Lại giang (khu phố 3) vào nơi ở mới ổn định cuộc sống lâu dài và nhất là đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Dự án “Khu tái định (TĐC) vùng thiên tai Bàu Rong, phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) được triển khai thực hiện vào đầu năm 2018 với mục tiêu di dời trên 70 hộ dân ở khu phố 3 nằm trong vùng nguy hiểm bên bờ sông Lại giang để ổn định cuộc sống lâu dài và nhất là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong mùa mưa bão. Đến tháng 6/2020, dư án khu tái định giai đoạn 1 (7,3ha) đã cơ bản hoàn thành, qua đó đã có 23 hộ dân đàu tiên thuộc diện đủ điều kiện di dời ra khỏi vùng nguy hiểm tiến hành giao trả mặt bằng nơi ở cũ đến nhận đất tại khu tái định cư Bàu Rong xây dựng nhà ở. Theo quy định, khi di dời, mỗi hộ được bố trí 1 lô đất rộng 125m2 và hỗ trợ 20 triệu đồng chi phí dọn dỡ, vận chuyển tài sản đến nơi định cư mới.

Ông Trần Hậu (1960), hộ đầu tiên đăng ký vào xây dựng xong nhà ở tại khu tái định cư Bàu Rong giãi bày: “Mấy chục năm sống ở mép sông, năm nào nước cũng vào nhà, ngoài việc thu dọn đồ đạc cần thiết gửi trước, vợ chồng còn phải thay phiên nhau thức trắng đêm để ngó chừng, khi nước tràn vào thì dẫn con cái chạy lũ. Nguy hiểm rủi ro như vậy nhưng cũng đành cam chịu vì mấy mươi hộ ở trong khu vực này ai cũng cùng chung cảnh mưu sinh “gạo chợ, nước sông”, “ăn buổi sáng thì phải lo buổi trưa” nên không có điều kiện để đi nơi khác ở. Nay được nhà nước cấp cho nơi ở mới cao ráo, tôi và các hộ gia đình khác rất phấn khởi, coi đây là sự đổi đời. Bà con chúng tôi rất biết ơn lãnh đạo thị xã và phường đã quan tâm chăm lo đời sống người dân vùng lũ lụt. Bây giờ chúng tôi yên tâm ăn no, ngủ kỹ rồi, không còn phải chạy lụt, mỗi khi nước lũ tràn về”.

 

Không giấu được niềm vui khi được đến nơi ở mới, bà Trần Thị Xin (1947) chia sẻ rằng, chỗ ở cũ của gia đình chật chội trũng thấp nhất trong khu vực, mỗi khi nước lũ tràn về gia đình lại rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” đáng sợ nhất là đợt lũ năm 2017, nước ngập lên trên cả mái nhà, khi nước rút tất cả đều bị cuốn trôi chỉ còn lại nền đất, sau đó mất cả một thời gian dài mới che chắn lại được nơi ở tạm. Biết là tiếp tục ở lại đồng nghĩa với việc đánh cược tính mạng của cả gia đình cho thiên nhiên mỗi khi mùa mưa bão về nhưng không còn cách nào khác đành phải chấp nhận. Nay được nhà nước quan tâm cấp một nơi ở mới tôi đến nhận 125 m2 đất để căn nhà này với chi phí hơn 300 triệu đồng, dù trong đó đã hơn 2/3 là tiền vay mượn nhưng không làm tôi lo lắng vì tôi tin với nơi định cư mới bình yên này, tôi và các con không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa lũ vê, giờ chỉ còn mỗi việc là chí thú làm ăn tích cóp trả dần nợ, vun đắp cho cuộc sống ngày càng tốt hơn”.

Ngồi trước căn nhà cấp 4 vừa mới xây xong, rộng rãi, thoáng mát, bác Nguyễn Thị Quảng (1938) phấn khởi bày tỏ: “Mừng như được vàng đó chú, dù trước khi vào đây nhận đất cất nhà, bác gom hết tiền của vợ chồng con trai và hai đứa cháu có chưa tới hai chục triệu đồng thì làm sao đủ cất nhà đây. Trước tình cảnh này, các con thì lo lắng chần chừ nhưng bác thì nhất quyết không bỏ lỡ cơ hội có một không hai này. Thê rồi được bà con thân thuộc của bác và bạn bè các con cho vay mỗi nơi một ít, sau hơn 2 tháng khởi công, căn nhà “một đời ước mơ” của bác đã hoàn thành trong nỗi vui mừng khôn xiết của con cháu, riêng tâm trạng của bác cứ mãi trào dâng niềm vui khiến nhiều đêm không thể nào chợp mắt được”.

Chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của bà con nằm trong vùng ảnh hưởng thiên tai dọc sông Lại giang mong sớm có được một nơi ở mới để ổn định cuộc sống lâu dài, nhất là đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão trên địa bàn mình phụ trách, ông Nguyễn Văn Chí, Trưởng khu phố 3 bộc bạch: “Trong số 23 hộ đầu tiên được địa phương xét duyệt cấp đất tại khu tái định cư Bàu Rong, thật tình trong thâm tâm tôi có rất nhiều băn khoăn, nhất là liệu bà con có đủ tiền để xây nhà không, bởi hầu hết là hộ khó khăn nhất trong khu phố. Giờ nhìn thấy những ngôi nhà kiên cố của họ dần mọc lên đầy đủ trên những diện tích được phân lô, trong số đó đáng kích lệ nhất là những hộ chật vật nhất thì cũng cố gắng vay mượn để xây dựng để ở dù chỉ ½ diện được cấp. Điều đó đã nói lên sự khát vọng vê một nơi định cư mới của bà con trong vùng luôn bị thiên tai bão lũ đoe dọa”.

Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch UBND phường Bồng Sơn cho biết thêm: “Trước khi Khu tái định xây dựng hoàn thành, phường đã phối hợp với ngành chức năng thị xã tổ chức bình xét công khai đi dời những hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai ở khu phố 3 trong đó, ưu tiên trước hết là những hộ có nhà ở chênh vênh sát mép sông thường xuyên bị ngập lụt, nếu đủ điều kiện thì tiến hành lập thủ tục cho di dời trước. Trải qua 4 đợt xét duyệt kỹ lưỡng, công bằng, mỗi đợt từ 5-7 hộ, đến thời điểm hiện nay, đã có 23 hộ đủ điều kiện ký kết giao trả mặt bằng tại nơi ở cũ đến nhận đất và đã xây dựng nhà tại nơi ở mới, đạt tỷ lệ 100%. Cũng theo ông Thông, từ nay đến cuối năm, địa phương tiếp tục tổ chức giao đất (theo hình thức bóc thăm) cho những hộ còn lại nằm trong diện di dời đã có đơn tự nguyện”.

                                                                                           Bài và ảnh: Diệp Bảo Sương.

 Trong ảnh:

1-/ Những ngôi nhà của người dân khu phố 3 nằm ven sông Lại bị nước nhấn chìm trong đợt mưa bão năm 2017.

2-/ Những ngôi nhà của người dân vùng ảnh hưởng thiên tai khu phố 3 đang dần hình thành trên khu tái định cư Bàu Rong.

 

 

 


Nguồn:Phường Bồng Sơn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết