LỊCH SỬ ĐẤU TRANH CỦA QUÂN VÀ DÂN BỒNG SƠN TRONG 21 NĂM CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC
LỊCH SỬ ĐẤU TRANH CỦA QUÂN VÀ DÂN BỒNG SƠN TRONG 21 NĂM CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC
1-/ Chặng đường Lịch sử và những bước phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Bồng Sơn.
Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, nhưng những ký ức về một thời hào hùng đấu tranh giải phóng dân tộc vẫn còn in rõ trong tâm thức của nhiều người dân Bồng Sơn. Ai đã từng sinh ra và lớn lên trên quê hương Bồng Sơn, dù đi bất cứ nơi đâu, cũng không thể nào quên một thời đấu tranh gian khổ mà hào hùng của quê hương mình. Đó là những ký ức về một thời khói lửa chiến tranh như còn nóng hổi tươi nguyên màu trận mạc gian khổ của quân và dân Bồng Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là niềm vinh dự tự hào của thế hệ người Bồng Sơn hôm nay và nối tiếp các thế hệ con cháu mai sau.
Lịch sử đã ghi nhận: Giữa những năm đầu của thế kỷ XX, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong giai đoạn quyết liệt, Bồng Sơn là trung tâm kháng chiến của Liên khu V, là ranh giới cuối cùng của vùng tập kết 300 ngày theo quy định của hiệp định Giơ ne vơ, đồng thời là địa bàn hoạt động của Sư đoàn 3 anh hùng. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Ngô Đức Đệ…đã về Bồng Sơn lãnh đạo kháng chiến và đã trở thành một kỷ niệm sâu sắc, tự hào của quân và dân Bồng Sơn.
Tháng 5 năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Tháng 7 năm 1954, tại Hội nghị ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được diễn ra, nhưng Mỹ là một trong những nước dự hội nghị đã không ký tuyên bố cuối cùng về việc “Thừa nhận độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”. Để sau đó, Mỹ nhanh chóng xúc tiến kế hoạch xâm nhập miền Nam nước ta thay thế thực dân Pháp, thực chất là xâm chiếm miền Nam bằng chính sách thực dân mới. Mỹ dựng lên chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm ở miền Nam với âm mưu tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân ta, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của Mỹ, làm bàn đạp tấn công miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa.
Nhân dân Hoài Nhơn trong cuộc đấu tranh chính trị tại chốt điểm địch ở Đồi 10 năm 1972
Trải qua, 21 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, Bồng Sơn là căn cứ sào huyệt của địch, bọn chúng thiết lập củng cố nơi đây nhiều căn cứ quân sự phục vụ chiến tranh nhằm để trấn áp toàn bộ chiến trường bắc Bình Định, Chúng dồn dân, lập ấp chiến lược, gài do thám, gián điệp, bọn chỉ điểm trong các xóm thôn, xây dựng đồn bốt, đàn áp, khủng bố nhân dân, thi hành khắc nghiệt luật 10/59, lê máy chém đi khắp nơi chặt đầu người yêu nước, nhưng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược!”...đã thôi thúc nhiều thế hệ người Bồng Sơn cầm súng đứng lên trong cuộc kháng chiến trường kỳ và dữ dội để giành và giữ lấy quyền sống, quyền độc lập tự do cho quê hương đất nước và trong những năm tháng ấy, Bồng Sơn và cả Miền Nam như địa ngục trần gian, nhồi da xáo thịt. Mỗi đường làng ngõ phố, mỗi một nóc nhà có người đi tập kết hoặc có cảm tình với cách mạng đều bị chúng rình rập, bắt bớ đánh đập giam cầm, hết sức dã man, có người đến nay vẫn mang trên mình vết thương tật của những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ đó.
Và chỉ trong vòng 5 năm, từ năm 1955 – 1960 đã có 2.000 đồng bào, cán bộ người Bồng Sơn bị cầm tù trong các nhà lao của Mỹ - Ngụy. Điển hình là vụ chôn sống 40 cán bộ tại bãi cát An Đông, Tàn độc hơn là chúng dùng tre kẹp cổ vặn cho đến chết và đẩy xuống giếng 8 cán bộ Bồng Sơn ở nhà thờ Thác Đá ( Hoài Đức). Chúng dùng nhiều thủ đoạn đê hèn, bôi nhọ và ly gián các chị, các mẹ có chồng con tập kết; chúng đốt nhà cướp của để bóp nghẹt kinh tế, sự sống của đồng bào vô tội, chúng quản thúc dồn dân vào các ấp chiến lược để kèm kẹp nhằm làm nhục ý chí đấu tranh của nhân dân ta.
Làng quê Hoài Nhơn tiêu điều xơ xác sau những trận mưa bơm bão đạn của Mỹ.
Mặc dù bị đàn áp theo dõi, giam cầm tra trấn, cách ly rất thâm độc dã man bằng xiềng xích gông cùm của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai nhưng nhân dân Bồng Sơn vẫn giữ vững một lòng theo Đảng, bất khuất chống áp bức, khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng. Đội ngũ cán bộ đảng viên được phân công ở lại như: đồng chí Nguyễn Ngọc Chấn – Phó bí thư cho bộ xã Bồng Sơn, đồng chí Nguyễn Sắc huyện ủy viên được huyện tăng cường về Bồng Sơn chỉ đạo kháng chiến, củng cố và mở rộng cơ sở, giữ mối liên lạc với huyện ủy và phong trào chung trong toàn huyện; lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Hàng ngàn người đã biểu tình vạch những tên ác ôn khét tiếng như Võ Hoàng, Lê Bá Hải, Bùi Long Thiên… đòi hiệp thương tổng tuyển cử, chống lại chính sách tố cộng, diệt cộng rào núi, rào làng, quản thúc, quản chế của địch, xây dựng cơ sở, giải thoát cho cán bộ, đảng viên đang bị địch giam cầm tra tấn trong nhà tù chi khu quận lỵ Bồng Sơn. Có thể nói rằng, giai đoạn 1955 -1959 đồng bào và chiến sĩ Bồng Sơn vừa bảo tồn lực lượng vừa phát triển thực lực cách mạng, vừa chống lại âm mưu thủ đoạn của địch, giữ vững ý chí cách mạng và lòng tin với đảng, với Bác Hồ, góp phần làm thất bại chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ hòng đánh bại cách mạng miền Nam làm bàn đạp đánh phá ác liệt miền Bắc với mưu đồ “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá", hòng ngăn chặn chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
Trước tình hình leo thang chiến tranh của địch và những khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (tháng 01 năm 1959) đã xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam và chỉ rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng ở hai miền Nam - Bắc và giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Nghị quyết số 15-NQ/TW của Trung ương đã phản ánh đúng nhu cầu lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam trong tình thế thực sự chín muồi, định hướng và động viên nhân dân miền Nam vùng lên, xoay chuyển tình thế cách mạng, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam cũng như cả nước. Thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 15, khóa II, lực lượng vũ trang Bồng Sơn hình thành, hoạt động với mục đích diệt ác, phá kiềm, thúc đẩy các phong trào đấu tranh bí mật và công khai trong nội bộ quần chúng nhân dân gây bất ổn hậu phương địch, gìm chân địch không để bọn chúng đi lùng sục, bao vây tìm diệt, đánh phá các phong trào cách mạng trong huyện.
Về phía địch, trong giai đoạn 1960 -1965 ngoài lực lượng tại chỗ, chúng đưa sư đoàn 9 Cộng hòa, 1 Lữ đoàn Thủy quân lục chiến, 1 Lữ đoàn Dù có cố vấn Mỹ chỉ huy, mở các chiến dịch “ Đồng tiến, Dân tiến” càng quét đánh phá lực lượng vũ trang cách mạng vừa mới hình thành. Chúng tiến hành cái gọi là quốc sách ấp chiến lược, sau đó là ấp tân sinh, lập hệ thống phòng thủ “ 2 sông, 3 núi” ven rìa Thiết Đính, nhằm truy bức, đánh bật lực lượng du kích, bán vũ trang của ta ra khỏi nhân dân.
Trong điều kiện đó, lực lượng vũ trang Bồng Sơn đã vượt mọi khó khăn gian khổ, bám địa bàn, bám dân độc lập tác chiến hoặc kết hợp với bộ đội địa phương mở những trận đột kích bất ngờ vào sào huyệt địch. Đánh tuy nhỏ lẻ nhưng đánh đúng vào những chốt điểm tiền tiêu của địch như như Bót gác cầu Voi, Trung Lương, Liêm Bình, điểm cao Lầu ông Lữ, đánh vào bộ máy kẹp ở nhà may Thiện Mỹ, bọn tề ngụy ở An đông… cùng với những hoạt động vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng và học sinh phát triển lên 1 bước mới, như cuộc đấu tranh chống khủng bố học sinh, đập phá nhà bọn ác ôn gian ác và trụ sở đảng cần lao nhân vị, phá sập Chi thông tin, cơ quan tuyên truyền chiến tranh tâm lý của địch. Với những hoạt động này, ta đã dần phá lỏng thế kèm kẹp của Mỹ -Ngụy, hạ uy thế của bọn ác ôn gian ác, tạo thế cho nhân dân phá ấp chiến lược, ấp tân sinh hệ thống phòng thủ “Hai sông, ba núi” làm chủ thôn Thiết Đính, tạo thế cài răng lược ở vùng ven Trung Lương, Liêm Bình, An Đông, An Tây uy hiếp trực tiếp Chi khu quận lỵ Bồng Sơn. Cùng với đó, các cuộc đấu tranh chính trị đồng bào kết hợp khéo léo với công tác binh vận đã từng bước làm làm rệu rã tinh thần của hàng trăm tên lính ngĩa quân, Bảo an đào ngũ quay về với nhân dân với cách mạng, làm hậu cứ vững chắc cho mặt trận tiền phương và vận động tổ chức đưa hàng trăm con em địa phương gia nhập vào lực lượng vũ trang huyện và quân giải phóng.
II-/ Những chiến công oanh liệt của Quân VÀ Dân Bồng Sơn trong phá kìm, diệt ác, xây dựng phong trào cách mạng góp phần cùng với quân và dân huyện nhà giải phóng hoàn toàn Hoài Nhơn lần thứ nhất vào ngày 29.4.1972.
Cuối năm 1964 đầu năm 1965 vùng giải phóng trong huyện càng mở rộng, Ngụy quân – Ngụy quyền ở các địa phương kéo nhau về Bồng Sơn trú ngụ. Ngụy quyền Sài Gòn vừa tăng cường phòng thủ, vừa nống ra vòng ngoài, tạo vùng đệm an toàn cho bọn loạn quân gây không ít khó khăn cho lực lượng cách mạng ở Bồng Sơn. Trong tình thế đó, chi bộ Đảng Bồng Sơn chỉ đạo phải dồn sức đánh địch từ bên trong, đi đôi với tăng cường hoạt động chính trị và binh vận nhằm từng bước chiêu dụ phá rã, bức hàng một số tên tề ngụy và lực lượng phụ quân chưa gây nợ máu với đồng bào, đồng chí ta từ đó đã có nhiều tên bỏ việc kể cả quận trưởng Hoài Nhơn cũng tìm cách đi lánh nạn hoặc ẩn trốn nơi khác. Thế kẹp của địch ở ngay sào huyệt quận lỵ gần như vô hiệu hóa. Tuy ta chưa giải phóng hoàn toàn đất đai nhưng cơ bản đã giữ được lòng dân, chờ đợi thời cơ nổi dậy giành lấy chính quyền, làm chủ quận lỵ.
Trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn bộ máy ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, năm 1965 Mỹ đưa quân vào miền nam. Từ đây, quân Mỹ đã thay quân Ngụy trên một số chiến trường quan trọng. Để đánh phá Bắc Bình Định, địch củng cố chi khu quận lỵ Bồng Sơn cả về bộ máy và hệ thống phòng thủ, biến các điểm cao ở vùng Thiết Đính, Liêm Bình đến Đệ Đức Hoài Tân thành căn cứ đóng quân của Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ nhằm diệu võ dương oai, phô bày các phương tiện chiến tranh hiện đại để trấn tĩnh tâm lý bọn Ngụy quân, Ngụy quyền và tay sai, chỉ điểm. Bên cạnh đó, bọn tâm lý chiến tuyên truyền cái gọi là 2 gọng kìm “Tìm diệt” “Bình định” cả miền Nam trong vòng 18 tháng, ra sức quảng bá cho sức mạnh của quân đội Mỹ, cổ xúy cho những cuộc càn quét quy mô vào 2 mùa khô 1966 và 1967 ở phía Tây và Đông Hoài Nhơn. Chúng tưởng rằng bộ máy chiến tranh đồ sộ ấy đã đè bẹp ý chí cách mạng của Quân và dân Bồng Sơn nhưng không, niềm tin vào Đảng vẫn giữ vững - ý chí “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” luôn nung nấu, Đảng bộ và nhân dân Bồng Sơn quyết không để địch yên ổn tự do đánh phá phong trào cách mạng ở các nơi. Đánh 1 tên Mỹ diệt 1 tên Ngụy là chia lửa với đồng chí đồng bào trong huyện. Với tinh thần và ý chí ấy, lực lượng vũ trang và nhân dân Bồng Sơn đã đánh địch bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau như: Tập kích vào sân bay Thiết Đính, đánh vào các chốt điểm tiền tiêu, thọc sâu đánh mật tập bót cảnh sát Bồng Sơn, kho quân trang quân dụng tại quận lỵ, đánh phá khu đồn Phụ Đức, chống càn nống lấn ra vòng ngoài, đánh thẳng vào các bộ máy đầu sỏ tề ngụy ở các nơi kéo về Bồng Sơn đồn trú. Cuộc chiến tranh du kích, mật tập giữa những năm tháng đánh Mỹ trên vùng đất Bồng Sơn như một thế trận “Thiên la địa võng” làm cho quân Mỹ - Ngụy bạt vía kinh hồn, góp phần làm thất bại kế hoạch “ Bình Định Miền Nam” trong vòng 18 tháng như lầu 5 góc dự định.
Trước thất bại nặng nề trên chiến trường Miền Nam, buột Mỹ phải tăng cường và hiện đại hóa tiềm lực quân sự cho quân Ngụy để thay thế quân Mỹ và chư hầu và thực hiện các kế hoạch “ Bình Định nông thôn, Bình Định cấp tốc, Bình Định đặc biệt” nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, giành dân với ta. Bọn cảnh sát Dã chiến, bọn Phượng Hoàng chỉ điểm, bọn xây dựng nông thôn, và bọn ác ôn ra sức kèm kẹp khống chế tinh thần đấu tranh của nhân dân ta. Chúng lập nên Tuy thông tin và Tuy chiêu hồi, đẩy mạnh chiến tranh chính trị lên đến đỉnh cao, mở những cuộc triển lãm “cái gọi là chiến lợi phẩm” chúng thu nhặt của ta ở các chiến trường, mít ting mừng chiến công trao huân chương bội tinh cho bọn tay sai đắc lực, cố xúy cho những hành động trái nhân nghĩa và lối sống thực dụng nhằm lung lạc ý chí cách mạng của nhân dân ta. Ở ngoài nội thị, chúng ra sức càn quét đánh phá, gom dân vào các khu đồn, thực hiện cái gọi là “Tát nước bắt cá”.
Xét về tương quan lực lượng, lúc này ta gặp không ít khó khăn. Nhưng với quyết tâm bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở từ bên trong, đánh địch ngay từ sào huyệt, vừa đánh địch vừa xây dựng thực lực cách mạng. Các tổ công tác, đội vũ trang của ta luồn sâu, xâm nhập vào nội thị, tổ chức hàng chục cuộc mật tập bất ngờ vào hệ thống đồn bót ngụy quân và trụ sở ngụy quyền, diệt những tên ác ôn có nhiều nợ máu. Đánh bại hàng chục cuộc càn quét, nống lấn của địch, giữ vững vùng hậu cứ Thiết Đính làm địa bàn để tấn công nội thị. Đặc biệt trong cuộc chống càn đầu năm 1972 tại Trung Lương ta đã diệt gọn 1 tiểu đoàn quân chủ lực thuộc Sư đoàn bộ binh 22 ngụy. Thắng lợi này cùng với kết quả biểu tình, đấu tranh chính trị của hàng ngàn quần chúng do địch giết hại phật tử Huỳnh Thị Hiền tháng 7/1971 đã có sức cổ vũ to lớn để chuẩn bị chiến dịch Xuân Hè 1972. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo về vật chất và tinh thần, sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng vũ trang địa phương với quân chủ lực, chỉ trong 1 ngày chiến đấu, quân dân ta đã làm chủ quận lỵ Bồng Sơn, tiêu diệt và làm tan rã hệ thống Ngụy quân Ngụy quyền từ Quận đến xã- tạo thế bao vây san bằng sở chỉ huy Sư đoàn 22 Ngụy tại sân bay Đệ Đức tiến tới giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Nhơn lần thứ nhất vào ngày 29/4/1972.
Trong niềm vui phấn khởi, lần đầu tiên quê hương được giải phóng, chính quyền cách mạng và các hội đoàn thể nhân dân được củng cố vững mạnh, lực lượng vũ trang được tăng cường về số lượng và trang bị hiện đại, hàng trăm thanh niên hăng hái lên đường bổ sung vào bộ đội Huyện – Tỉnh và quân chủ lực, hàng ngàn đồng bào tham gia vận chuyển lương thực, chiến lợi phẩm thu được về hậu cứ.
Trải qua 1 chặng đường dài tranh anh dũng, đặc biệt chống chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” (1969-1972) của đế quốc Mỹ, ý chí quật cường của quân và dân Bồng Sơn ngày càng được tôi luyện qua khói lửa chiến tranh và trưởng thành về mọi mặt, liên tục tấn công địch giành thắng lợi to lớn trên các mặt trận: vũ trang, chính trị và binh vận, kinh tế; tập hợp đông đảo quần chúng tham gia đấu tranh cách mạng góp phần đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn kế hoạch “Bình định nông thôn” của địch.
Sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân được phát huy cao độ ở cả 3 vùng miền núi, đồng bằng và đô thị. Đặc biệt là sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chủ lực, bộ đội địa phương và quần chúng tại chỗ để giải phóng từng bộ phận, từng mảng tiến tới giải phóng một vùng liên hoàn rộng lớn trong năm 1972 mà đỉnh cao là chiến dịch Xuân-Hè 1972 của quân và dân Bồng Sơn góp phần tạo ra cục điện mới, động lực mới cùng với toàn Huyện và quân và dân cả nước tiếp tục tiến công, đánh bại làm hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ-ngụy, buộc đế quốc Mỹ phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom phá hoại miền Bắc (31.12.1972) và ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam ( 27.1.1973).
Đúng như nhận định,cuối tháng 7 năm 1972 địch tập trung cả Sư đoàn 22 bộ binh, trong đó nòng cốt là Trung đoàn 40, Trung đoàn 41 và Trung đoàn 47; 2 liên đoàn biệt động quân 4 và 6 cùng hàng trăm máy bay trực thăng, phản lực, hàng ngàn xe, pháo các loại tập trung đánh phá hết sức ác liệt để tái chiếm lại chiến trường Hoài Nhơn. Cả Bồng Sơn trong những ngày tháng ấy là một chiến trường đầy khốc liệt. Trong tình thế đó, một mặt ta phải tập trung chuyển gần 1.000 đồng bào về các vùng giải phóng Hoài Châu, An Lão, Hoài Ân nhằm bảo toàn tính mạng, chăm lo nơi ăn, chốn ở cho bà con nhân dân, mặt khác tập trung lực lượng ở tuyến trước, quần bám đánh địch, gây cho chúng những thiệt hại nặng nề, vừa kèm chân địch để các địa phương khác có điều kiện chuẩn bị lực lượng chống phản kích, tái chiếm. Liêm Bình, Thiết Đính, Gò Gương, Gò Chùa là nơi diễn ra những trận chống phản kích quyết liệt, 2 tiểu đoàn chủ lực Ngụy, 2 đại đội bảo an, 7 xe tăng, 5 máy bay bị lực lượng ta tiêu diệt và phá hủy ngay trong những ngày đầu chống phản kích trên các vùng đất này. Với thắng lợi này, quân dân Bồng Sơn bước đầu phá vỡ một số mắt xích chủ yếu trong hệ thống kiềm kẹp của địch ở đồng bằng. Thực lực cách mạng được kiện toàn, củng cố, qua rèn luyện thử thách đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, đồng thời phát triển được một đội ngũ đảng viên trung kiên làm nòng cốt cho phong trào. Đó là chưa kể những trận đánh nhỏ lẻ diễn ra dưới nhiều hình thức phục kích, tập kích, pháo kích, gài bẩy bom mìn diễn ra khắp Bồng Sơn.
Bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương phối hợp tấn công vào cứ điểm đồi 10
Do tương quan lực lượng và vị trí chiến lược quan trọng của Bồng Sơn, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tuyên phải tái chiếm bằng được địa bàn Bồng Sơn với bất cứ giá nào nên bọn chúng điên cuồng tập trung đánh phá rất khốc liệt Bồng Sơn và các vùng giáp ranh trên cả 3 lực lượng và phương tiện không quân, bộ binh, trận địa pháo. Để bảo toàn lực lượng, ta tạm thời lùi về tuyến sau xây dựng và củng cố thực lực chuẩn bị cho những trận quyết chiến về sau. Trong thời gian này, một mặt phải lo đảm bảo đời sống cho đồng bào tản cư vùng giải phóng, mặt khác phải tập trung đánh địch đang dày xéo mảnh đất quê hương. Đêm đêm, các tổ công tác và du kích Bồng Sơn thọc sâu vào vùng địch tạm chiếm tập kích, pháo kích, ban ngày vẫn bám trụ ở vùng ven Thiết Đính sử dụng chiến thuật bắn tỉa làm hao mòn sinh lực địch và phối hợp chống càn. Tiêu biểu là trận đánh san bằng cứ điểm đồi 28, đồi 30 vào tháng 01/1973 - tấn công làm chủ đoạn Quốc lộ 1A vào ngày 27/03/1973 ta diệt gọn 1 đại đội Biệt động quân tại đồi Thủ. Đến tháng 04/1973, ta tập kích diệt gọn trung đội nghĩa quân ở cầu Liêm Bình, tiêu diệt tiểu đoàn bộ và 2 đại đội Bảo an ở đồi Sỏi và gò Cuốc. Cùng thời gian trên tại Truông Lũy - Vườn Vạn và gò Hùng, lực lượng ta tập kích và giao tranh quyết liệt tiêu diệt gần như toàn bộ diệt gọn 1 trung đội Xích quỷ hung hãn và 1 đại đội Bảo an. Những chiến công vang dội trong những ngày chống địch phản kích, chống địch phá hoại Hiệp định Pari, lực lượng ta càng vững mạnh và trưởng thành mọi mặt, tạo ra thế và lực mới để cùng với lực lượng vũ trang Huyện quét sạch bộ máy ngụy quân, ngụy quyền từ quận xuống xã, ấp, giải phóng hoàn toàn Huyện nhà lần thứ 2 vào ngày 28/03/1975 góp phần vào chiến dịch đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước.
Trong cuộc trường chinh giải phóng quê hương, giải phóng đất nước Quân và dân Bồng Sơn đã linh hoạt kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh chính trị, binh vận với đấu tranh bán vũ trang cho dù kẻ thù hung hãn, tàn bạo như thế nào đi chăng nữa nhưng nhân dân ở các vùng ven vẫn quyết tâm một tấc không đi, một ly không rời, bám đất giữ làng làm hậu cứ vững chắc cho cách mạng; hàng trăm gia đình bỏ lại gia sản trong vùng địch kiểm soát ra vùng giải phóng nuôi con, nuôi chồng đi chiến đấu. Bên trong vùng nội thị, các má, các chị đã dùng lời hay, lẻ phải chỉ cho những kẻ bị nhồi sọ, bị cưỡng bức làm tay sai cho Ngụy hoặc đi lính đánh thuê cho Mỹ tìm ra con đường tự cứu mình “Súng Mỹ lòng ta, ta quay bắn Mỹ”. Nhờ khôn khéo tuyên truyền vận động nên đã có rất nhiều lính ngụy bỏ súng quay về với nhân dân với cách mạng.
Tổng kết 21 năm chống Mỹ cứu nước, quân và dân Bồng Sơn đã chủ động tấn công, phục kích đánh địch trên 400 trận qua đó, đã tiêu diệt 45 tên ác ôn, loại khỏi vòng chiến đấu 2.750 tên lính Mỹ và Ngụy, bắt sống 1500 tên; làm tan rã 7 Trung đội, Binh biến ly khai 3 Trung đội nghĩa quân, 1 Trung đội pháo binh, 1 Đại đội Bảo an; bắn rơi 6 trực thăng, bắn cháy 27 xe tăng và xe bọc thép; phá hũy 15 máy truyền tin; đốt cháy 2 kho quân trang, quân dụng cùng hàng trăm súng cối, đạn dược của Mỹ-Ngụy…Những chiến công của quân và dân Bồng Sơn đã được Đảng và Chính phủ ghi nhận và khen tăng: 75 Huân chương chiến công các loại; 496 Huân chương kháng chiến; 4 Huân chương giải phóng; 46 Huân chương chiến sĩ vẻ vang- 116 Huy chương kháng chiến các loại; 74 Huy chương quyết thắng; 34 Huy chương chiến sĩ vẻ vang; 116 Bằng khen các loại và 27 chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh… Năm 2002, Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân thị trấn Bồng Sơn vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang thị trấn Bồng Sơn.
Trải qua 21 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, trên 240 người con của quê hương Bồng Sơn đã vĩnh viễn ngã xuống trên mảnh đất này, xương máu của các anh, các chị đã nở thành hoa, thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, mãi khắc sâu vào tâm thức của những thế hệ con cháu mai sau và sẽ mãi trường tồn vĩnh cửu đến muôn vạn đời sau.
III-/ VĨ THANH.
Toàn thắng thuộc về dân tộc ta - tự do thuộc về nhân dân ta. Với niềm tự hào khi quê hương sạch bóng quân thù, Đảng bộ và nhân dân Bồng Sơn quyết tâm bắt tay ngay vào hàn gắn vết thương chiến tranh. 40 năm qua, đặc biệt là sau gần 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng với công sức trí tuệ của nhân dân, vết tích chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ, quê hương Bồng Sơn đã thay màu áo mới và ngày càng khởi sắc trên mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế văn hóa, an ninh quốc phòng, tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, cơ sở hạ tầng dần được quan tâm đầu tư xây dựng. Nổi bật nhất là từ năm 2010 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị trấn Bồng Sơn lần thứ XV, XVI và XVII, cùng sự quan tâm đầu tư của Trung ương, Tỉnh, Huyện, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, kinh tế - văn hoá, xã hội của Bồng Sơn không ngừng phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, từng bước làm thay đổi diện mạo đô thị, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng đổi thay khá rõ nét, tạo nền tảng sức bật mới để Bồng Sơn từng bước vươn lên xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa xã hội của thị xã Hoài Nhơn hôm nay.
Diệp Bảo Sương.
(Sưu tầm và biên soạn từ các tài liệu báo cáo cho buổi Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2002)