NGHỀ LÀM GIÁ ĐỖ VEN SÔNG LẠI.
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGHỀ LÀM GIÁ ĐỖ VEN SÔNG LẠI.

NGHỀ LÀM GIÁ ĐỖ VEN SÔNG LẠI.

Ven bờ Bắc Lại giang, từ cuối nguồn sông An Lão (khu phố Trung Lương) đến vùng bãi bồi An Đông khu phố 1, phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) từ xưa đến nay, ngoài chăn nuôi trồng trọt người dân nơi đây còn có nghề truyền thống làm giá đỗ. Nghề gieo giá đỗ tuy dân dã nhưng cũng lắm buồn vui chìm nổi, có lúc tưởng chừng như lùi vào quá khứ. Thế rồi, nghề vẫn được gìn giữ, lưu truyền giúp những người thủy chung với nghề vươn lên dần có một cuộc sống khá giả, ổn định hơn.

Hàng ngày, khi nắng chiều hạ dần về hướng trời tây, trên những vùng đất bãi bồi ven sông Lại, tiếng nói cười của hàng chục hộ dân trong nghề làm giá đỗ với một số dụng cụ hành nghề trên tay tất bật trên diện tích sản xuất của mình bắt đầu cho một buổi làm việc cần mẫn với thời gian: gieo và thu hoạch sản phẩm cho buổi chợ ngày hôm sau. 

 

Mỗi hầm gieo thường có đường kính 0,5 m – 0,6 m sâu không quá 0,6 mđể gieo khoảng 1 kg đậu xanh theo nhiều tầng lớp khác nhau.

Vừa khoanh đào những hố tròn thẳng đều trên mặt đất chuẩn bị gieo cho lứa rau kế tiếp, bà Nguyễn Thị Út (45 tuổi), một trong số 13 hộ dân ở xóm giá An Đông chia sẻ cách làm giá đỗ truyền thống của làng nghề: “Thuận lợi ở vùng này là hầu hết bà con làm giá ai cũng sở hữu một diện tích đất bãi bồi ven sông, người ít cũng được vài ba trăm mét vuông để làm giá đỗ nên từ trước đến nay, ở đây không gieo giá theo kiểu ủ trong các loại thùng, chum, thạp như nhiều nơi khác mà chỉ gieo trực tiếp xuống những hầm cát mịn để cho những cọng giá trắng, tinh khiết. Cũng theo chị, nghề này như chăm con mọn không có thời gian ngơi nghỉ, nhưng được cái là ngày nào cũng có thu nhập”.

 

 

Chị  Nguyễn Thị Út, ở xóm An Đông khối 1, cho biết, cứ mỗi hầm như vậy thu về khoảng 8-9 kg giá. Trung bình mỗi đợt gieo từ 10 đến 15 hầm giá, sau khoảng 4 ngày gieo thì bắt đầu thu hoạch.

Nghề gieo giá đỗ vốn đầu tư không nhiều, bởi không trang bị gì thêm ngoài vài đôi giỏ sắt, chục rổ sảo tre, cuốc xẻng dùng để đào hố, đựng – rửa giá khi gieo, thu hoạch. Thế nhưng, để đạt hiệu quả trong sản xuất đòi hỏi người làm công việc này phải thực sự chịu khó cộng thêm kinh nghiệm từ người nhà truyền lại. Theo bà Lê Thị Thành (51 tuổi) ở An Đông, gia đình bà có đến ba đời làm nghề này tâm sự: “Không phải loại đậu xanh nào cũng gieo ra được giá và đạt năng suất, chất lượng như nhau cho nên các công đoạn chọn, ngâm, ủ đậu trước khi gieo vào hầm cũng phải đòi hỏi “bí quyết” để đến thời hạn khui hầm thì giá vừa lên đúng tầm thu hoạch: “không non và cũng không già”. Tiếp đến phần đệm phủ cát từng lớp như thế nào để giá mọc đều và không bị xoắn cục. Một khâu không kém phần quan trọng quyết định thành công cho mỗi đợt gieo là tạo độ ẩm cho mỗi hầm, nếu thiếu độ ẩm khi thu hoạch giá sẽ gãy nhiều vì thân khô - độ ẩm cao, giá thừa nước dẫn đến bủn thân, thối gốc”.

 

 

 

Sau khi dỡ giá từ hầm lên, người dân dùng rổ tre sẩy đều loại bỏ cát bám vào thân cây giá. nhờ trồng ở bãi cát tự nhiên không sử dụng hóa chất nên chất lượng giá đỗ nơi đây sạch, ngọt, hương thơm nên từ nhiều năm qua, sản phẩm giá nơi đây được nhiều nơi trong và ngoài thị xã tin dùng.

Giá là một loại rau được gieo từ hạt đậu xanh trong cát từ ba đến bốn ngày đêm là thu được sản phẩm. Giá được coi là một loại rau sạch, mát và bổ dưỡng, có thể ăn sống cùng với các loại rau khác, trộn gỏi, chiên xào, nấu canh hoặc làm chua…nên không có mâm ăn nào từ bình dân đến sang trọng lại thiếu món rau được ưa chuộng này. Chia sẻ quy trình gieo giá đỗ theo cách truyền thống, ông Huỳnh Quang Quốc, 55 tuổi - người có thâm niên trên 20 năm làm nghề này thổ lộ: “Nghề làm giá đỗ không nhọc sức nhưng rất nhọc công. Để có rau cung cấp thường xuyên hàng ngày, người sản xuất phải dựa trên đặc điểm sinh trưởng của giá để bố trí gieo theo cách “gối đầu” đồng thời để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng; tránh cho thân giá khỏi bị vàng ố bởi những hạt bùn lẫn trong cát, khi chọn bãi gieo, trước tiên nơi đó phải là vùng đất phù sa – mịn, không nhiễm phèn và cao hơn mặt nước sông, sau đó mới tiến hành đào hầm gieo. Mỗi hầm thường có đường kính 0,5 m – 0,6 m sâu không quá 0,6 m nếu lớn hơn kích thước này thì rất khó cho công đoạn gieo và thu hoạch. Khi gieo người ta chia thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau từ 3-4 ngày, mỗi lần gieo từ 10 đến 15 hầm. Có thể nhiều hơn do nhu cầu bạn hàng của từng người. Nhưng mỗi hầm theo quy cách này chỉ gieo 1kg đậu xanh là vừa đủ cho sự nảy mầm và phát triển thành 8 đến 9 kg giá thành phẩm, đồng thời để đảm bảo sản lượng và chất lượng, người làm nghề phải thường xuyên thay cát ủ hầm, sử dụng nguồn nước thật sạch để tạo độ ẩm, nếu không hạt đậu sẽ thiếu chất dinh dưỡng chậm phát triển, sản phẩm thấp, chất lượng rau dai, nhạt nhẽo!

 

Quy trình gieo, chăm sóc và thu hoạch giá đỗ.

Mặc dù diện tích đất soi bồi ven sông dùng để gieo giá của gia đình bị thu hồi xây dựng đê bao chống lũ nhưng từ năm 2006 đến nay, vợ chồng anh Hạ, chị Dung (khu phố 4) vẫn tiếp tục gắn bó máu thịt với nghề. Hàng ngày, vào mùa nước sông cạn, vợ chồng anh chọn những cồn cát nổi ven sông làm nơi gieo giá, mỗi nơi anh gieo 2 đợt rồi chuyển sang vị trí khác để tận dụng hết nguồn phù sa, tuy không công việc không ổn định nhưng sản lượng và chất lượng giá gieo của anh luôn đạt cao hơn so với những hộ sản xuất cố định trong vùng. Chia sẻ cách giữ nghề theo kiểu “du mục” này, anh Hạ bày tỏ: “Dù không còn nơi sản xuất, nhưng mình đã gắn bó với nó mấy chục năm rồi nếu không linh động níu giữ lấy nghề bằng cách làm trên thì vợ chồng tồi chẳng biết làm gì ra tiền để nuôi con ăn học có việc làm ổn định như bây giờ”.

 

 

Khác với nhiều địa phương làm giá đỗ trong các loại thùng, chum, thạp, từ lâu người làm giá sống ven bờ sông Lại (thị trấn Bồng Sơn) chỉ sử dụng các vùng đất bãi bồi để đào hầm gieo giá đỗ trong lòng cát.

Về làm dâu ở khu phố 4, gần 30 năm nay và cũng ngần ấy thời gian chị Nguyễn Thị Toàn (49 tuổi) vẫn mang theo nghề gieo giá đỗ về nhà chồng làm kế “mưu sinh” trừ những ngày tết, không ngày nào vợ chồng chị vắng bóng trên vùng đất soi bồi Phụ Đức để sản xuất rau. Cho dù những đêm đông buốt giá hay chiều hè oi bức, đêm nào cũng vậy, từ 1 đến 3 giờ sáng là anh chị và các con đã có mặt tại hầm để thu hoạch sao cho đến tờ mờ sáng là có rau chở đi giao cho khách hàng. Chiều vệ sinh hầm và gieo theo chu kỳ tới. Buổi tối làm sạch đậu rồi ủ sơ bằng nước tạo độ ẩm trước khi cho vào hầm gieo đợt kế tiếp. Công việc cứ thế quần quật quanh năm và như chưa bao giờ có được giấc ngủ trọn vẹn. tuy vậy, nhưng thu nhập từ nghề này khá ổn định. Chị tính toán, cứ 1 kg đậu xanh hạt sẽ cho trên dưới 8 kg rau giá. Trung bình hàng ngày tôi gieo từ 15- 20kg đậu, giá mỗi kg đậu xanh hạt hiện nay là 40 ngàn đồng/kg sau gieo sẽ cho ra từ 140 – 150 kg rau giá, bỏ sỉ 8.000đồng/kg. Như vậy sau khi trừ chi phí vốn gốc, tiền điện bơm nước, xăng xe đi bỏ mối và hao hụt trong khi thu hoạch mỗi ngày gia đình cũng có thu nhập trên dưới 400 ngàn đồng. 

 

Dù không nơi sản xuất nhưng vợ chông anh Hạ, chị Dung vẫn linh động giữ nghề bằng  cách chọn những bãi bồi tự nhiên ven sông để gieo giá theo kiểu “du mục”

Khác với công việc thường nhật của bà con trong vùng sản xuất giá, ông Trần Văn Lành, (52 tuổi) thường thu hoạch giá từ 7 đến 10 giờ tối để chuẩn bị cho 4 giờ sáng hôm sau vận chuyển ra Sa Huỳnh giao cho mối hàng. Nói về hành trình mưu sinh của mình, ông Lành thật thà bày tỏ: “Tôi có bạn hàng ở ngoài này hơn 10 năm rồi, giá cả luôn cao và ổn định hơn, đặc biệt là chưa bao giờ bị “dội hàng”. Trung bình hàng ngày tôi bỏ mối ở đây trên 200 kg giá, lợi nhuận hơn một nửa, dù đường vận chuyển có xa hơn nhưng việc làm ăn luôn thuận lợi nên rất vui và ham làm”.

Theo Hội Nông dân phường Bồng Sơn, những năm 2005 trở về trước, trên địa bàn 5 khu phố ven sông Lại có trên 50 hộ chuyên sống bằng nghề gieo đỗ, nhưng sau đó nhiều diện tích bị thu hồi xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện chỉ còn 19 hộ, trong đó nhiều nhất là khu phố 1 chiếm 13 hộ, bởi vùng đất này còn trên 15ha đất bãi bồi rất thuận lợi cho việc giữ gìn và phát triển nghề theo hướng sản xuất sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Ông Trần Đức Huy, Trưởng khu phố 1 khẳng định: “Nếu tính bình quân, sản lượng giá đỗ thành phẩm của riêng 13 hộ dân khối 1 thu hoạch và xuất bán hàng ngày ra thị trường trong và ngoài huyện có thể trên 1.000kg góp phần mang lại nguồn thu khá ổn định không những giúp cho hầu hết các hộ trong nghề có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con cái học hành đến nơi, đến chốn mà còn góp phần tạo nguồn rau sạch cung cứng ổn định cho thị trường trong và ngoài huyện.

Sản phẩm giá đỗ được làm nên trên những vùng đất phù sa ven sông Lại dù đến nay chưa có ngành, cấp nào chứng nhận là giá sạch nhưng những người dân ở đây vẫn tự hào sản phẩm mình làm ra rất sạch, bởi các công đoạn đều làm theo cách cha ông truyền dạy, giá lớn từ dưới những lớp cát phù sa mịn màng giàu dinh dưỡng, khi ăn, ta sẽ có cảm nhận hương thơm, vị ngọt ngào ấy chính là sự chắt chiu từ những giọt mồ hôi cần cù, chịu thương, chịu khó và tấm lòng trân trọng của những người nông dân đã dãi dầu sương gió để làm nên!

 

                                                                                                                                                                                                                                                       Bài và ảnh: Diệp Khánh Linh.

 


Nguồn:Phường Bồng Sơn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 23 trong 11 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Xem thêm chủ đề

Nội dung đang cập nhật...