NGƯỜI DÂN KHU KINH TẾ MỚI THIẾT ĐÍNH BẮC, PHƯỜNG BỒNG SƠN: TRÀN NGẬP NIỀM VUI TỪ CON ĐƯỜNG MƠ ƯỚC…
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGƯỜI DÂN KHU KINH TẾ MỚI THIẾT ĐÍNH BẮC, PHƯỜNG BỒNG SƠN: TRÀN NGẬP NIỀM VUI TỪ CON ĐƯỜNG MƠ ƯỚC…

 

 

NGƯỜI DÂN KHU KINH TẾ MỚI THIẾT ĐÍNH BẮC (PHƯỜNG BỒNG SƠN)

             TRÀN NGẬP NIỀM VUI TỪ CON ĐƯỜNG MƠ ƯỚC…

Những ngày này người dân khu kinh tế mới Thiết Đính Bắc tràn ngập niềm vui khi con đường nội khu vừa mới được nâng cấp xây dựng lại bằng bê tông xi măng khang trang sạch đẹp từ dưới chân hồ thủy lợi Lòng Bong (cuối xóm) đến tiếp giáp với ĐT 639 B về phía Bắc (đầu xóm) dài gần 900m. Con đường hình thành không chỉ tạo điều kiện tốt nhất cho bà con tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống mà quan trong hơn là đã đáp ừng được nỗi mong chờ của người dân nơi đây trong suốt ba thập niên qua.

 

 

 

Trong ảnh: Con đường đất núi trước đây ở nội khu kinh tế mới Thiết Đính Bắc nay được nâng cấp bê tông khang trang vững chắc.

 

Nằm biệt lập dưới dãy đồi kháng chiến - nơi đây vốn là vùng căn cứ địa cách mạng - cách trung tâm phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) 5 km về hướng Đông Nam, khu kinh tế mới là một tổ dân cư thuộc khu phố Thiết Đính Bắc. Nơi đây hơn 30 năm về trước 19 hộ dân nghèo Bồng Sơn vào đây lập nghiệp. Trong suốt một chặng đường dài chinh phục đất đai, rừng núi hoang sơ với bao khó khăn thách thức, nhưng rồi với sự kiên trì nhẫn nại, cuộc sống và sự nghiệp của bà con cũng dần khá lên. Tuy nhiên, cũng ngần ấy thời gian con đường chính trong khu kinh tế vẫn mãi là con đường “nắng bụi mưa lầy”. Mong ước có một con đường bê tông trong xóm núi này có lúc tưởng chừng như không thể…

Theo ông Nguyễn Văn Triên, Trưởng khu phố Thiết Đính Bắc, toàn khu kinh tế mới hiện có 41 hộ, trong đó còn 3 hộ nghèo là người già neo đơn với 165 nhân khẩu. Những năm qua, nhờ hưởng thụ những chính sách ưu đãi của nhà nước và sự quan tâm của chính quyền địa phương, đến nay về cơ bản cuộc sống của bà con nơi đây không còn vất vả như trước, nhiều hộ đã có “của ăn của để” xây dựng được nhà cửa bề thế khang trang, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn từ nghề trồng rừng và chăn nuôi gia sức, gia cầm…Tuy nhiên một khó khăn tồn tại trong suốt nhiều năm qua đó là con đường trong nội khu kinh tế chỉ là con đường đất mòn gây không ít khốn khổ cho bà con trong việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa nông lâm sản. Đặc biêt, vào mùa mưa, gần như toàn bộ con đường là những ổ voi, ổ gà sình lầy trơn trợt, xe đạp cũng không thể đi được, tội nhất là các cháu mẫu giáo, cấp 1 đi học phải có cha mẹ cõng dắt đến trường”.

 

 

 

 

 

Anh Nguyễn Thành Lập (1964) tâm sự: “Vào mùa mưa, con đường như một con suối cạn do nước từ các ngọn đồi xung quanh đổ xuống làm dân tình cực khổ trăm bề, nhiều hộ có lúa mà thiếu gạo ăn vì không thể đưa lúa đi xay xát được. Muốn ra ngoài Phường mua lương thực, thuốc men thì phải trèo núi, vượt đồi, còn các cháu học cấp 2 ở cách trường 5-6 cây số đi học vào buổi chiều thì phải lội bộ từ sang sớm để đến trường. Học xong phải cầm đèn pin soi đường và về đến nhà vào tận khuya. Đó là chưa kể đến những sự cố mỗi khi có người dân trong khu kinh tế bị bệnh đột xuất, việc đưa người đến bệnh viện cấp cứu là cả một hành trình gian nan rất nguy hiểm đến tính mạng” .

Cả đời nhọc nhằn gắn bó với con đường đất núi, từ hôm tuyến đường bê tông thành hình, lão nông Trần Văn Quốc (1949) như thấy mình trở lại thời trai trẻ. Ông bảo, lòng dạ bồi hồi, chân cẳng không thể ngồi yên ở nhà được. Mỗi ngày ít nhất hai lần, ông cứ đi tới, đi lui mấy lượt trên con đường. “Cứ tưởng ước mơ có một con đường bê tông này không thể hiện hữu được, vậy mà giờ đã thành hình” – ông Quốc nói trong niềm xúc động.

Bà Lê Thị Liễu, người dân nơi đây hồ hởi: “Khi con đường chưa được nâng cấp bê tông, thường ngày, bắt đầu chạng vạng tối, hầu như nhà nào cũng đóng cửa, cả khu im lìm ít bóng người qua lại, nay có đường mới thoáng đãng bà con tập trung ra lề đường ngồi hóng mát, trẻ nhỏ chơi đùa suốt cả đêm làm cho cho không gian nơi đây vốn dĩ bình lặng nay thêm phần sống động. Cũng theo bà, đây là con đường mơ ước từ lâu của người dân nơi đây, tôi rất vui mừng”.

Ông Nguyễn Văn Triên, Trưởng khu phố Thiết Đính Bắc phấn khởi cho biết thêm, trước đây con đường trong khu kinh tế bề rộng có chỗ chưa được 2m nhưng từ cuối tháng 5/2020, khi Phường triển khai chủ trương xây dựng đường bê tông, bà con hăng hái nhường đất nới rộng long, lề đường, mỗi bên từ 1,5 đến 2m để nền đường rộng 5 m, chính vì vậy mà trong suốt 20 ngày ra quân dọn mặt bằng trước khi bê tông là những ngày vui nhất của người dân kinh tế mới. Từ đầu đến đến cuối xóm, từ già đến trẻ ai cũng phấn chấn hăng hái tháo dỡ hàng rào, chặt bỏ cây ăn trái lâu năm có giá trị như dừa, xoài là “đồng ra, đồng vào” hằng ngày của bà con mà không hề có bất cứ đòi hỏi gì”.

 

Nói về sự quan tâm của chính quyền đối với người dân khu kinh tế mới thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Tú, Uỷ viên Ban thường vụ Thị ủy, Bí thư Đảng ủy phường Bồng Sơn cho biết: “Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, ngoài tập trung các nguồn lực đầu tư chỉnh trang đô thị, trong 3 năm 2016 -2018, địa phương đã xây dựng trên 4 km đường bê tông rộng 3,5 từ quốc lộ 1A mới qua địa bàn Thiết Đính Bắc nối liền đường phía Tây tỉếp giáp với đường vào khu kinh tế mới và tuyến đường vào nghĩa trang nhân dân. Đây là 2 tuyến đường quan trọng để người dân thuận lợi trong giao thương hàng hóa, chôn cất, thăm viếng người quá cố vào các dịp thanh minh, lễ tết. Tiếp đến vào giữa tháng 5/2020 vừa qua, mặc dù nguồn thu ngân sách địa phương rất khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 nhưng chúng tôi vẫn ưu tiên dành gần 800 triệu đồng để tiến hành bê tông lại toàn bộ chiều dài tuyến đường nội khu kinh tế mới đáp ứng sự mong chờ của bà con bấy lâu”.

                                                                                                                       Bài và ảnh: Khánh Linh

 

 


Nguồn:Phường Bồng Sơn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết