QÚA TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG TĂNG BẠT HỔ – BỒNG SƠN.
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

QÚA TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG TĂNG BẠT HỔ – BỒNG SƠN.

QÚA TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

                                                                 CỦA TRƯỜNG TĂNG BẠT HỔ – BỒNG SƠN.

            Để giúp cho các bạn có được những nét cơ bản nhất trong quá trình hình thành và phát triển của mái trường mình đã theo học trong những năm tháng ấu thơ, một ngôi trường mà chỉ cần nói ba tiếng TĂNG BẠT HỔ, người ta nghĩ đến BỒNG SƠN hoặc ngược lại nói đến Bồng Sơn, người ta nghĩ ngay đến trường Tăng Bạt Hổ; chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Quá trình hình thành và phát triển của trường Trung học TĂNG BẠT HỔ” của bạn Võ Xuân Đào - cựu học sinh trường Tăng Bạt Hổ niên khóa 1968-1975  dưới đây.

Ở vùng đất được mệnh danh “đất võ̉, trời văn” là Bình Định trước đây, khi đề cập đến chuyện học, người ta sẽ nghĩ ngay đến hai ngôi trường công lập nổi tiếng đó là Trung học Cường Để – Qui Nhơn và Trung học Tăng Bạt Hổ – Bồng Sơn. Một trường ở phía Nam và một trường ở phía Bắc tỉnh. Nó nổi tiếng không phải vì nguy nga tráng lệ hay cổ kính đài trang, mà vì để được vào học phải trải qua một kỳ thi tuyển nghiêm ngặt, gay cấn (thời bấy giờ, trúng tuyển vào trường không chỉ là niềm tự hào của cá nhân, mà còn là niềm vinh dự của cả gia đình, xóm làng); vì nơi đó có nhiều học sinh giỏi, chiếm tỷ lệ, vị thứ cao trong các kỳ thi (trung học đệ nhất cấp, tú tài); vì có nhiều thầy, cô dạy hay, dạy giỏi bằng cái tâm của mình, không chỉ truyền đạt kiến thức cho học trò, mà còn dạy cho học trò của mình nhân cách sống, đạo lý làm người bằng chính cuộc sống thường nhật của bản thân; và vì đã góp phần trong việc đào tạo nên nhiều người giữ những trọng trách cao của đất nước cùng những công dân hữu ích cho xã hội 

Trường Trung học Tăng Bạt Hổ - Bồng Sơn năm 1966

Kể từ năm 1917, chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam đã thiết lập một hệ thống giáo dục thống nhất cho cả ba miền Nam, Trung, Bắc Việt Nam cũng như cả Lào và Cao Miên (Campuchia). Hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc có ba bậc: tiểu học, trung học và đại học. Chương trình học là chương trình của Pháp, với một vài sửa đổi nhỏ áp dụng cho các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, trong đó tiếng Pháp là ngôn ngữ chính, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ (1). Và nhằm mục đích “truyền bá, mở mang và phát triển văn hóa mẫu quốc đến các nước thuộc địa” (thực chất chủ tâm của người Pháp là muốn cắt đứt liên lạc văn hóa giữa người Việt với người Trung Quốc vì họ nhìn thấy quá khứ Việt Nam nặng về Hán học; mục đích chính là hướng tinh thần người Việt về với Pháp, chữ Hán cũng như chữ Nôm cần phải triệt bỏ và thay thế bằng chữ Pháp, và cũng để đào tạo lớp công chức làm việc cho bộ máy cai trị của chính phủ Pháp cùng chính phủ bảo hộ Nam triều) chính phủ Pháp đã cho thành lập các trường học trên khắp ba miền Nam – Trung – Bắc của đất nước ta. Cụ thể, ở Nam kỳ có trường Collège Indigène (trung học bản xứ), sau đổi thành Collège Chasseloup Laubat là tiền thân của Trường Trung học Lê Quí Đôn được thành lập vào năm 1874, Collège de Mỹ Tho (sau này đổi thành Trung học Nguyễn Đình Chiểu) vào năm 1879, trường Nữ sinh Gia Long, nay là phổ thông trung học Nguyễn Thị Minh Khai) vào năm 1913, trường Pétrus Trương Vĩnh Ký (nay là phổ thông trung học chuyên Lê Hồng Phong) được đưa vào hoạt động năm 1927. Ở Bắc kỳ có trường Bưởi (nay là phổ thông trung học Chu Văn An) được thành lập vào năm 1908; thì ở Trung kỳ, có trường Quốc học Huế được thành lập vào năm 1896, trường Nữ sinh Đồng Khánh - Collège Dong Khanh (Huế) được thành lập vào năm 1917, đến năm 1920 chính phủ Pháp cho thành lập trường Collège de Vinh (sau này đổi thành Quốc học Vinh) và năm 1921 thì Ecole Elémentaire Franco - Annamite Cours Complémentaire tiền thân của trường Trung học Cường Để sau này và trường Quốc học Quy Nhơn hiện nay được hình thành. Còn các trường khác như trường Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng mãi đến năm 1952 mới được thành lập, Trung học Võ Tánh tại Nha Trang được ra đời vào năm 1953.

Không chỉ thời phong kiến, mà cả thời Pháp thuộc cũng thế, chuyện học hành của học sinh các huyện phía Bắc tỉnh Bình Định chủ yếu chỉ có con em những gia đình khá giả mới đủ điều kiện theo học, thời ấy những người muốn đi học phải đùm túm vào ở trọ tại Quy Nhơn và theo học tại trường Ecole Elémentaire Franco - Annamite Cours Complémentaire (trường Tiểu học Pháp – Việt); trong những năm kháng chiến chống Pháp, một số ít học sinh các quận Hoài Nhơn, Tam Quan, Hoài Ân, An Lão được nhận vào học tại trường “Trung học Nguyễn Huệ Bắc”(2) khi đất Hoài Nhơn là nơi trú ngụ cho trường này, nhưng chỉ đến năm 1951 trường này bị giải thể và những học sinh các huyện phía Bắc tỉnh trở lại thất học nếu không theo vào học tại trường “Trung học Nguyễn Huệ Nam” tạm trú đóng ở huyện An Nhơn.

Sau hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền độc lập, từ vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) trở ra thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, từ vĩ tuyến 17 trở vào thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Đứng trước nhu cầu đào tạo nhân lực, học tập của người dân các địa phương, năm 1955 chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho thành lập và xây dựng mới nhiều trường học ở khu vực miền Trung như Phú Yên, Quảng Ngãi v.v…; trong đó, tỉnh Bình Định có hai trường trung học lớn, một trường ở phía Bắc tỉnh mang tên TRUNG HỌC TĂNG BẠT HỔ – BỒNG SƠN và một trường phía Nam tỉnh có tên là TRUNG HỌC CƯỜNG ĐỂ – QUI NHƠN.

Trung học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn có nhiệm vụ tiếp nhận học sinh các nha, quận phía Bắc tỉnh như: Tam Quan, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, các xã phía Bắc quận Phù Mỹ; tuy chỉ có nhiệm vụ tuyển chọn học sinh từ các quận nêu trên nhưng một số học sinh các quận Đức Phổ, Mộ Đức thuộc tỉnh Quãng Ngãi cũng được thu nhận vào học nếu trúng tuyển.

Khi mới thành lập trường (1955) có tên là “Trường TRUNG HỌC BỒNG SƠN” và người được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng ngay khi thành lập là thầy Đoàn Nhật Tấn (quê Tài Lương, Hoài Thanh). Trước nhu cầu bức thiết của sự nghiệp giáo dục, để kịp khai giảng và đi vào hoạt động ngay, nhà trường phải mượn tạm trại nuôi tằm (đang để trống) của gia đình ông bà Nguyễn Hối, Võ Thị Thực ở thôn An Tây làm văn phòng; các lớp học được tổ chức học tạm trong các phòng học cũ rải rác tại khu sân vận động, các làng, miếu như Miễu Chòm, Liên Nông, Phụ Đức, Cung Đường (thôn Liêm Bình). Mặt khác, tiến hành xây dựng trường sở tại “khu đất đồn”(3) khá rộng nhưng ngổn ngang gạch đá do bị đập phá thời “tiêu thổ kháng chiến” của Việt Minh, mặt sau trường (hướng Đông) giáp đường xe lửa xuyên Việt, mặt trước (hướng Tây) là Quốc lộ 1 chạy qua, phía Nam sát Chi Cảnh sát, phía Bắc là khu nhà thờ Cơ đốc giáo. Niên khóa 1955 – 1956 trường có 6 lớp: 1 lớp đệ thất (lớp 6), 3 lớp đệ lục (lớp 7), 1 lớp đệ ngũ (lớp 8) và 1 đệ tứ (lớp 9). Mãi đến đầu tháng 10 năm 1955 hai dãy trường thô sơ (vách đất, tô vôi, mái tole, trần nhà bằng vĩ buồm căng lên) được xây dựng xong, trường chuyển văn phòng và các lớp học (có 6 phòng học) về đây, làm lễ khánh thành, khai giảng năm học và chính thức mang tên “Trường TRUNG HỌC TĂNG BẠT HỔ – BỒNG SƠN”. Những tháng ngày các lớp phải học tạm rải rác khắp nơi nên mỗi lần đổi giờ giáo sư phải lội bộ từ lớp này sang lớp khác cách xa nhau ba bốn trăm mét thật vất vả nhưng cũng thật đặc thù. Thời kỳ sơ khai này, văn phòng nhà trường chỉ có hai người (thầy Đoàn Nhật Tấn, hiệu trưởng; thầy Phạm Khắc Thành, giám thị) và các giáo sư: Hoàng Đôn Trịnh, Lê Văn Thự, Lê Tú Vinh, Nguyễn Diễn, Trần Đình Cang (nhạc sĩ Phương Mai), Phạm Đức Bảo, Trần Đình Đàm, Phạm Văn Liển, Nguyễn Đức Dương, Trần Xuân Dưỡng. Giáo sư thiếu nên các thầy phải dạy nhiều môn như thầy Tấn là hiệu trưởng nhưng vẫn dạy các môn Toán, Lý - Hóa; thầy Bảo dạy Văn, Anh văn, Sử - Địa, Công dân, Vẽ … còn học sinh chưa có đồng phục, nam sinh mặc áo sơ mi, quần tây; nữ thì áo sơ mi, quần dài thường, tóm lại là có gì mặc nấy và vào những buổi lao động vệ sinh dọn dẹp lần cho trường gọn gàng, quang đãng hơn (4).

Tháng 6 năm 1956, kỳ thi tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở hiện nay) đầu tiên của học sinh các trường từ Quảng Ngãi đến Phú Yên được tổ chức ngay tại thị trấn Bồng Sơn. Hội đồng Giám thị được chia làm hai bộ phận: một ở Quy Nhơn dành cho thí sinh Quy Nhơn và Phú Yên, một ở Bồng Sơn dành cho thí sinh Hoài Nhơn và Quảng Ngãi. Hội đồng Giám khảo đặt tại Bồng Sơn và Chánh chủ khảo là thầy Trần Văn Việt (hiệu trưởng trường trung học Chu Văn An – Sài Gòn), giám khảo là  giáo sư của các trường Phan Bội Châu (Phan Thiết), Duy Tân (Phan Rang), Võ Tánh (Nha Trang). Thí sinh thi viết các môn: Văn, Anh văn, Pháp văn, Toán, Lý - Hóa, Sử – Địa; sau khi đậu thi viết, thí sinh phải trải qua kỳ thi vấn đáp các môn: Văn, Pháp văn, Vạn vật (Sinh vật bây giờ). Đậu kỳ thi vấn đáp mới được công nhận là tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp. Đây là kỳ thi được tổ chức lần đầu tiên và duy nhất tại Bồng Sơn vào lúc ấy, vì kể từ kỳ thi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp lần thứ 2 (tháng 8/1956) trở đi đều được tổ chức tại Quy Nhơn (5). Sau khi đậu trung học đệ nhất cấp, ai muốn tiếp tục học lên đệ tam (lớp 10) thì phải vào Nha Trang (trường Võ Tánh) hoặc ra Huế (trường Quốc Học hoặc trường Đồng Khánh – nếu là nữ).

Kể từ năm học 1956 – 1957 trở đi, tùy thuộc vào đội ngũ giáo sư hiện hữu và phòng ốc của trường, trường tổ chức thi tuyển vào lớp đệ thất cho những học sinh đã học xong bậc tiểu học ở các trường tiểu học trong quận và các vùng phụ cận như Hoài Ân, An Lão, Tam Quan, Phù Mỹ, Đức Phổ (Quảng Ngãi) với số lượng học sinh được tuyển dao động từ 100 – 180 người (6) mỗi năm. Những học sinh đủ điều kiện học lên trung học đệ nhị cấp, sau khi thi đậu trung học đệ nhất cấp phải vào Quy Nhơn học tại trường Trung học Cường Để.

 

 

Hình ảnh Trường Tăng Bạt Hổ niên khóa 1963-1964- cơ sở tại bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn ngày nay.

Niên khóa 1958 – 1959 trường có 8 lớp: 3 lớp đệ thất, 2 lớp đệ lục, 2 lớp đệ ngũ và 1 lớp đệ tứ (7) và cũng từ năm học này nhà trường quy định học sinh đi học phải mặc đồng phục: nam áo sơ mi trắng, quần tây xanh, chân đi sandale hoặc dép có quai hậu; nữ áo dài trắng, quần dài trắng; trên ngực áo trái thêu phù hiệu với dòng đầu tiên là tên trường TH. Tăng Bạt Hổ màu đỏ, dòng giữa hoa thị màu xanh (một hoa thị: lớp đệ thất, hai hoa thị: lớp đệ lục, ba hoa thị: lớp đệ ngũ, bốn hoa thị: lớp đệ tứ – khi có trung học đệ nhị cấp thì qui định một hoa thị đỏ: lớp đệ tam, hai hoa thị đỏ: lớp đệ nhị, ba hoa thị đỏ: lớp đệ nhất), dòng cuối cùng thêu họ tên theo kiểu chữ in bằng chỉ màu xanh. Học sinh muốn học lên đệ nhị cấp vẫn phải tiếp tục chuyển vào học tại Qui Nhơn.

Năm 1959, trường tiến hành xây dựng kiên cố (tường gạch, mái ngói), ban đầu là hai dãy nhà ngang song song, mặt hướng ra Quốc lộ 1, dãy phía trước (đối diện Quốc lộ) dùng làm Văn phòng, phòng Hiệu trưởng, dãy ngang phía sau phân thành 3 phòng làm lớp học. Sau đó xây dựng tiếp hai dãy phòng dọc song song nằm hai bên dãy nhà ngang (một dãy phía khu nhà thờ, một dãy cạnh bên Chi Cảnh sát), mỗi dãy 5 phòng, tạo thành một khối hình hộp vuông, khoảng trống giữa các dãy là sân trường được trồng cây tạo bóng mát, giữa sân là cột cờ, mỗi sáng thứ hai hàng tuần, học sinh toàn trường tập trung sắp hàng theo lớp quay về cột về làm lễ chào cờ đầu tuần; gần với dãy ngang bên trong có một sân bóng rổ; đối diện với dãy ngang trước và tường rào ngăn Quốc lộ 1 là sân để xe của học sinh và sân bóng chuyền, vũ cầu (cầu lông) gần với khu nhà ngang; đến khoảng cuối năm 1960 việc xây dựng hoàn tất, từ nay các lớp được học trong những phòng học khang trang, thơm mùi vôi mới. Và sau khi xây dựng xong cơ ngơi mới, với ưu tiên phòng học cho học sinh, cả văn phòng, phòng làm việc của Hiệu trưởng, Tổng Giám thị gộp chung lại một phòng, nhường phòng ngang còn lại làm lớp học (cho đến năm 1972) (8)

Niên khóa 1962 – 1963 thầy Đoàn Nhật Tấn được điều chuyển về dạy ở trường Sư Phạm Quy Nhơn, thầy Hoàng Đôn Trịnh (quê Tam Quan) được cử làm Hiệu trưởng, Tổng Giám thị là thầy Huỳnh Ngọc Anh. Cũng vào năm học này trường mới có đủ sĩ số học sinh để mở được lớp đệ tam (lớp 10) và có Nghị định chuyển thành trường Trung học đệ nhị cấp và đến năm học 1963 – 1964 trường mở tiếp lớp đệ nhị (lớp 11). Giai đoạn này những học sinh sau khi thi đậu Tú tài 1 (tú tài bán phần) muốn học lên lớp đệ nhất phải chuyển vào học ở trường T.H. Cường Đ, đến năm học 1969 – 1970 trường hội đủ điều kiện (giáo sư, học sinh) để tổ chức lớp đệ nhất (lớp 12) và học sinh không phải chuyển vào Qui Nhơn theo học ở trường T.H Cường Để năm cuối cấp nữa (7).

Cuối năm 1966 thầy Hoàng Đôn Trịnh chuyển về Sài Gòn, thầy Huỳnh Hữu Dụng (quê quận Bình Khê - nay là huyện Tây Sơn) được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng cho đến cuối năm học 1968 – 1969 được chuyển về trường TH. Cường Để Qui Nhơn, Tổng Giám thị là thầy Huỳnh Ngọc Anh và sau đó là thầy Đặng Ngọc Anh.

Những năm học từ 1962 đến 1967 trường tuyển sinh vào lớp đệ thất cả hai sinh ngữ: Pháp văn (một lớp) và Anh văn (hai đến ba lớp). Và từ năm học 1968 trở đi không có học sinh theo học tiếng Pháp nên toàn bộ học sinh học sinh ngữ chính là Anh văn.

Khoảng giữa năm học 1968 – 1969 trường xây thêm hai dãy phòng học (mỗi dãy 3 phòng) bằng gỗ, mái tole nối với hai dãy phòng học chiều dọc cũ đến tiếp giáp với đường tàu lửa xuyên Việt, có số phòng học tăng thêm đó, năm học sau số học sinh thi vào lớp đệ thất được tuyển chọn nhiều hơn các khóa trước.

Niên khóa 1969 – 1970 trường có 22 lớp, gồm: 4 đệ thất, 4 đệ lục, 4 đệ ngũ, 4 đệ tứ, 3 đệ tam (2 lớp ban A, 1 lớp ban B) và 3 lớp đệ nhị (2 lớp ban A, 1 lớp ban B) và bắt đầu có Giám học là thầy Phạm Thành. Cuối năm học 1969 – 1970 nhà trường phân bổ lại học sinh 4 lớp đệ lục bằng cách chọn mỗi lớp 10 học sinh có vị thứ từ 1 đến 10 xếp vào lớp đệ ngũ 1, những người có vị thứ từ 11 – 20 xếp vào lớp đệ ngũ 2, v.v… và xếp thành 4 lớp đệ ngũ từ 1 đến 4, đây là một hình thức lớp chọn đầu tiên của trường và như vậy cả 4 lớp đều có nam, nữ (10 người) thay vì xếp học sinh nữ riêng một lớp.

Khi thầy Huỳnh Hữu Dụng chuyển vào Qui Nhơn, thầy Phạm Thành (cựu học sinh của trường khóa 1955 – 1956) là Giám học tạm Xử lý thường vụ cho đến đầu năm học 1970 – 1971 chính thức được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng, Tổng Giám thị vẫn là thầy Đặng Ngọc Anh.

Từ niên khóa 1970 – 1972, Ban Giám đốc trường bao gồm các thầy Phạm Thành (hiệu trưởng), Lê Ninh Hậu (Giám học), Đặng Ngọc Anh (Tổng Giám thị), chưa có phụ tá Giám học và phụ tá Tổng Giám thị. Thời kỳ này, niên khóa 1970 – 1971 trường có 26 lớp gồm: 6 lớp 6, 4 lớp 7, 4 lớp 8, 4 lớp 9, 3 lớp 10 (2 ban A, 1 ban B), 3 lớp 11 (2 ban A, 1 ban B) và 2 lớp 12 (1 ban A, 1 ban B), niên khóa 1971 – 1972 số lớp của trường được nâng tổng số lên thành 29, gồm: 7 lớp 6, 6 lớp 7, 4 lớp 8, 4 lớp 9, các lớp đệ nhị cấp giống như niên khóa 1970 – 1971(9).

Cuối năm học 1971 – 1972 (hè 1972) các quận phía Bắc Bình Định: Tam Quan, Hoài Nhơn, An Lão, Hoài Ân trở thành vùng chiến sự ác liệt và là vùng “tạm giải phóng” của cách mạng, trường phải chuyển vào thị xã Quy Nhơn và hoạt động tại Trung tâm sinh hoạt giáo giới bên cạnh Trung tâm Văn hóa tỉnh (số 18 Nguyễn Huệ) của Tỉnh Thị hội giáo giới Quy Nhơn – Bình Định đã được Liên đoàn 6 Công binh sửa chữa lại thành trường học.

Năm học 1972 – 1973 trường khai giảng tại thị xã Quy Nhơn với tên gọi là “Trường Trung học Tăng Bạt Hổ” (không còn hai chữ Bồng Sơn – NV), ưu tiên tiếp nhận học sinh cũ của trường từ Bồng Sơn chuyển vào. Thành phần Ban Giám đốc gồm có Hiệu trưởng là thầy Lê Văn Minh (quê Hoài Ân, cựu học sinh của trường khóa 1955 – 1956), Tổng Giám thị là thầy Nguyễn Hữu Hồng và mặc nhiên trường trở thành trường trung học phổ thông công lập lớn thứ ba của thị xã Qui Nhơn (hai trường kia là TH. Cường Để và Nữ trung học Ngô Chi Lan – NV).

Kể từ khi thành lập trường (1955) mãi cho đến năm học 1973 – 1974 Ban Giám đốc của trường mới có đầy đủ nhân sự, gồm: Hiệu trưởng là thầy Hồ Sĩ Duy, quê An Nhơn (giáo sư trường Trung học Cường Để Quy Nhơn được điều chuyển qua); Giám học là thầy Nguyễn Ngọc Trân (giáo sư trường Nữ trung học Ngô Chi Lan – Qui Nhơn), phụ tá Giám học là thầy Nguyễn Cao Trợ; Tổng Giám thị là thầy Nguyễn Hữu Hồng, phụ tá Tổng giám thị là thầy Ngô Văn Lâu.

Khi thầy Hồ Sĩ Duy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, vào mỗi đầu năm học, ngoài việc chuẩn bị khai giảng tại Quy Nhơn, mặt khác phối hợp với chính quyền quận Hoài Nhơn tổ chức thi tuyển vào lớp 6 tại Bồng Sơn để bổ sung vào lực lượng học sinh của trường.

Đến tháng 3 năm 1975, Quy Nhơn được giải phóng, những học sinh của các trường tại Quy Nhơn (không phân biệt công lập hay tư thục) được tập trung vào học tại trường Quang Trung (Cường Để cũ) và trường Trưng Vương (Nữ trung học Ngô Chi Lan cũ), cái tên Trung học Tăng Bạt Hổ (ở Quy Nhơn) cũng không còn nữa!

                                                                                                                                             Sưu tầm và biên soạn: Khánh Linh.


Nguồn:Phường Bồng Sơn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết