LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

1. Bánh dây Bồng Sơn

Bánh dây, còn được người Bình Định gọi là bún dây, là món ăn có nguồn gốc từ huyện Hoài Nhơn. Hiện nay, với sự giao thương rộng mở, di cư học tập, làm ăn, sinh sống của nhiều người, kèm theo đó nhiều món ăn đặc sản từ nhiều vùng miền được quảng bá và biết đến, nên bánh dây đã có mặt ở nhiều nơi trong tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, muốn được thưởng thức dĩa bánh dây ngon chính gốc thì phải về phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn.

Trong quá trình sinh sống và phát triển, bằng sự sáng tạo và cần mẫn mà ông cha ta đã nghĩ ra bao nhiêu món ăn phong phú, ngon miệng và hấp dẫn cả về hình thức lẫn chất lượng chỉ từ hạt gạo. Nào là cơm, cháo. Nào là bún, bánh canh, phở, mì. Nào là bánh bèo, bánh đúc… Món bánh dây – đặc sản Bồng Sơn cũng là một món ăn làm từ gạo, nhưng lại mang hương vị khác hẳn.

Nói bánh dây là món ăn đơn giản, mộc mạc, nhưng để làm ra mẻ bánh ngon thì cần rất nhiều thời gian lẫn công sức, lúc đó mới thấy hết sự tảo tần, chịu khó của người dân quê.

Muốn có bánh dây ngon thì phải dùng đến gạo lúa cũ, tức là gạo xay từ lúa được thu hoạch từ nhiều tháng trước. Với loại gạo này, sợi bánh sẽ có vị dai đặc trưng nhưng không cần dùng đến hàn the gây hại cho sức khỏe. Gạo lúa cũ được đem vo nhẹ vài lần, sau đó ngâm với nước cốt tro. Loại tro ngâm gạo phải là tro củi thì bánh mới được ngon. Tro củi được sàn cho mịn, rồi cho vào thau nước, khuấy lên vài lần để tro lắng xuống và gạn bỏ tạp chất. Chắt lấy phần nước trong rồi đem ngâm gạo trong khoảng 6 tiếng đồng hồ.

Tiếp theo, gạo sau khi ngâm nước tro sẽ được đem xay thành bột và hấp chín. Trong quá trình hấp, người làm phải liên tục khuấy để bột chín đều, không bị cháy khét. Khi bột đặc lại và ráo nước thì được ngắt thành từng miếng nhỏ, cho vào khuôn ép thành những vỉ bánh gồm nhiều sợi bún nhỏ.

Những vỉ bánh này lại được đem đi hấp cách thủy cho chín đều. Lúc này, sợi bún có màu vàng nhạt tự nhiên và đẹp mắt. Những sợi bún vàng này dính với nhau, nhưng có thể tách ra được dễ dàng nên người ta gọi là bánh dây.

Bánh dây thường được bán vào buổi sáng và tối. Tuy nhiên, loại bánh này nếu ăn nhiều sẽ dễ bị bội thực nên người ta thường ăn sáng nhiều hơn. Khi có thực khách gọi, người bán sẽ nhanh tay xé rời từng vỉ bánh, ngắt từng đoạn ngắn, vừa ăn cho vào dĩa. Một ít dầu hẹ được thoa đều, đậu phộng rang giã nhỏ được rải lên. Muỗng nước mắm tỏi chanh ớt được rưới lên. Và trên cùng là một ít rau sống gồm giá, xà lách, dắp cá, rau thơm xanh rì.

Vị dai của sợi bánh dây hòa lẫn với mùi thơm của nước mắm ngon ngay tại địa phương, quyện với các loại rau tươi ngay tại vùng, cùng với vị thơm thơm, béo ngậy, giòn giòn của đậu phộng, sẽ là một bữa “đại tiệc” mộc mạc mà lý thú dành cho thực khách.

 

 

Bánh dây Bồng Sơn thường theo chân những người bán hàng rong gánh quang gánh đi khắp thị trấn, và cũng được bán kèm với bánh hỏi. Bánh dây rất rẻ, nên có nhiều người bụng tốt (không sợ bị bội thực) thì ăn một lần hai, ba dĩa mà chưa muốn dừng.

2. Nghề làm giá đỗ ven sông Lại

Người dân ven bờ Bắc Lại Giang, đoạn từ khu phố Trung Lương đến vùng bãi bồi An Đông khu phố  1, phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn có nghề làm giá đỗ. Giá đỗ ở đây được tiếng là lành và sạch nhưng có lúc tưởng chừng lùi hẳn vào quá vãng. Nhưng may làm sao, mấy năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều người tiêu dùng thích hàng sạch nên những người theo cái nghề có chút độc đáo này dần vươn lên khá giả.

Chiều chiều, trên những vùng bãi bồi ven sông Lại, hàng chục hộ dân theo nghề làm giá đỗ lại thoăn thoắt thao tác gieo, thu hoạch sản phẩm cho buổi chợ hôm sau. Vừa khoanh đào những hố tròn thẳng đều trên mặt đất chuẩn bị gieo cho lứa kế tiếp, bà Nguyễn Thị Út (45 tuổi), một trong những người làm giá đỗ ở xóm giá An Đông chia sẻ: “Điểm thuận lợi là bà con làm giá đỗ ở đây ai cũng sở hữu một khoảnh bãi bồi, người ít cũng được vài ba trăm mét vuông. Ở đây, chúng tôi không làm giá kiểu ủ trong các loại thùng, chum, thạp như nhiều nơi khác mà gieo trực tiếp xuống những hố cát mịn, sử dụng độ ẩm của cát sông, dinh dưỡng tự nhiên và giá như vậy được nhiều người gọi là… siêu sạch”.

Chị Nguyễn Thị Út, ở xóm An Đông, cho biết, cứ mỗi hầm như vậy thu về khoảng 8 - 9 kg giá. Trung bình mỗi đợt gieo từ 10 đến 15 hầm giá, sau khoảng 4 ngày gieo thì thu hoạch.

Để theo nghề không cần vốn liếng gì nhiều nhưng công việc đòi hỏi phải chịu khó và có kinh nghiệm. Bà Lê Thị Thành (51 tuổi, ở An Đông, khu phố 1) kể: Gia đình tôi đã ba đời theo nghề làm giá. Không phải loại đậu xanh nào cũng làm nguyên liệu gieo giá được, nên người làm có kinh nghiệm biết cách chọn đúng loại đậu mình cần. Làm ra cây giá thì dễ, nhưng muốn giá đẹp, năng suất cao, chất lượng đều thi cả khâu ngâm, ủ đậu trước khi gieo cũng có bí quyết. Khâu tạo độ ẩm cho mỗi hầm giá cũng cực kỳ quan trọng, nếu thiếu ẩm khi thu hoạch giá dễ gãy nhiều vì thân khô, dư ẩm thì giá thừa nước dẫn đến bủn thân, thối gốc.

Giá đỗ được ưa chuộng và gần như có mặt trên mâm cơm mỗi ngày, bởi vậy giờ đây cọng giá sạch luôn được nhiều người săn đón. Ông Huỳnh Quang Quốc, người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề giá thổ lộ: Chọn được chỗ bãi bồi phù hợp rất quan trọng. Đó thường những bãi không nhiễm phèn, cao hơn mặt nước sông và tất nhiên phải được giữ sạch sẽ. Để đảm bảo sản lượng và chất lượng, mình còn phải thay cát ủ, làm vệ sinh vùng bãi bồi để nguồn nước được sạch sẽ! Khi gieo vào hầm (có nơi gọi là ổ giá) người ta chia thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau từ 3-4 ngày, mỗi lần gieo từ 10 đến 15 hầm. Bình quân mỗi hầm gieo 1kg đậu thì sẽ thu được tầm 8 đến 9 kg giá. Vợ chồng anh Hạ, chị Dung (ở khu phố 4, phường Bồng Sơn) chọn những cồn cát nổi ven sông làm nơi gieo giá, mỗi nơi anh gieo 2 đợt rồi chuyển hầm sang vị trí khác để tận dụng nguồn phù sa, vậy mà túc tắc anh chị cũng có thu nhập ổn định đủ sống.

 

Về làm dâu ở khu phố 4, gần 30 năm nay và cũng ngần ấy thời gian chị Nguyễn Thị Toàn (49 tuổi) mang nghề gieo giá đỗ về nhà chồng làm kế “mưu sinh”. Trừ những ngày tết, còn lại không ngày nào vợ chồng chị vắng bóng trên vùng đất soi bồi khu phố Phụ Đức để sản xuất. Công việc cứ thế xoay đều quanh năm, tuy có chút vất vả nhưng đủ sống. Chị Toàn nhẩm tính, cứ 1 kg đậu (40.000 đồng/kg) cho ra chừng 8 kg rau giá. Mỗi ngày nhà tôi gieo khoảng 15- 20 kg đậu, thu được từ 140 đến 150 kg giá, bỏ sỉ 8.000 đồng/kg. Như vậy sau khi trừ vốn gốc, chi phí các loại thu nhập cũng ở tầm 400 ngàn đồng. Ở nông thôn vậy là rất ổn.

Ông Trần Văn Lành người có mối tiêu thụ ở Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) bày tỏ: “Tôi có bạn hàng ở ngoài đó được hơn 10 năm rồi. Chịu khó đi xa một chút nhưng giá bán khá hơn trong này, lại ổn định hơn. Chưa bao giờ tôi bị dội hàng. Dân ngoài đó rất chuộng giá gieo trong hầm cát của Bồng Sơn.

Ông Trần Đức Huy,  trưởng khu phố 1, phường  Bồng Sơn cho biết: Bình quân mỗi ngày người làm giá đỗ ở đây đưa ra thị trường khoảng 1.000 kg giá. Nghề này có nguồn thu ổn định, đảm bảo đời sống, góp phần tạo nguồn rau sạch cung ứng ổn định cho thị trường. Sản phẩm giá đỗ ven sông Lại là loại rau được các hàng rau trên thị trường công nhận vui là rau siêu sạch!

3. Nghề làm chổi đót ở Bồng Sơn
 

Sản xuất chổi đót là một nghề có thế mạnh trước đây của Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Bồng Sơn. Sau một thời gian mai một, hiện nay chỉ còn cơ sở sản xuất chổi đót của anh Nguyễn Đình Trường và chị Huỳnh Thị Nhung ở khu phố Thiết Đính Nam, phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn đang “ăn nên làm ra”.

Trước đây vợ chồng anh Nguyễn Đình Trường là xã viên Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Hiệp Lực. Năm 1992, hợp tác xã này giải thể, nhiều xã viên lao đao. Đã có tay nghề, lại ở gần hai vùng nguyên liệu mây, đót của Hoài Ân và An Lão, vợ chồng anh Trường quyết tâm tiếp tục bám lấy nghề. Anh chị gom góp từng đồng vốn chắt chiu từ sản xuất nông nghiệp mua vài tạ đót, năm bảy chục cân mây, để dành trong lúc nông nhàn làm chổi bán lẻ ở chợ và bà con trong khu phố.

Thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng, anh và một số gia đình khác cùng làm trong hợp tác xã cũ trước đây bàn tính: Nếu cứ làm nhỏ lẻ như thế thì chỉ lấy công làm lời, thu nhập thấp. Năm 2002, anh và một số gia đình khác xin vay được trên 30 triệu đồng từ các nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm. Các thành viên trong tổ thống nhất cho anh chị sử dụng số tiền này mua nguyên liệu dự trữ để sản xuất thường xuyên trong năm. Thế là, nhà của anh trở thành “nhà xưởng” cho bà con trong khu phố  đến làm việc hàng ngày. Những anh chị em nào vì quá bận công việc đồng áng không đến cơ sở làm được, anh giao khoán từng khâu sản phẩm đem về gia công tại nhà như: làm cán, tước đót, bện rít …

Sau khi trả vốn và lãi ngân hàng, khấu hao tài sản cố định như máy vót mây, tề cán…, doanh thu còn lại chia đều cho anh chị em theo giá trị từng công đoạn làm. Bước đầu cơ sở của anh Trường làm ăn có hiệu quả, nên đời sống của anh chị em trong tổ được cải thiện đáng kể. Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cũng như mở rộng hướng sản xuất sau này, từ năm 2004 đến nay, anh đi chào hàng ở một số tỉnh lân cận như: Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận… Ngoài lượng hàng các nơi đặt cung cấp thường xuyên hàng tháng từ 3.000 - 4.000 cây chổi, hiện nay cơ sở của anh đã có thêm thị trường tiêu thụ mạnh ở 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng (trung bình hàng tháng cung cấp cho 2 thị trường này khoảng 4.000 cây chổi). Bên cạnh đó, cơ sở của anh Trường còn nhận gia công bó chổi cho 2 cơ sở kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ ở tỉnh Quảng Ngãi, với trên 10 tấn đót/ tháng.

Hiện tại, một cây chổi có giá từ 14 -16 ngàn đồng. Thợ giỏi mỗi ngày có thể làm được 15 - 20 cây, thời điểm hàng ăn mạnh, thu nhập của người lao động thường xuyên có thể đạt từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/ tháng. Đến nay, cơ sở sản xuất chổi đót của anh Trường và chị Nhung đã tạo được công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho hơn 50 lao động trong khối, nhất là phụ nữ, người già thiếu công ăn việc làm.

Anh Trường cho biết, trong thời gian tới, nếu được tạo điều kiện hỗ trợ kỹ thuật và vốn, cơ sở sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Ban biên tập (tổng hợp)